Thầu xây dựng, không phải ai làm cũng được
Hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, tình trạng “trăm hoa đua nở” trong lĩnh vực thầu xây dựng là một trong những nguyên nhân tác động đến chất lượng công trình, bởi nhiều nhân công trực tiếp thi công không có kỹ thuật xây dựng cơ bản, trong khi cán bộ có trình độ không bao quát được hết công trường.
Hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, tình trạng “trăm hoa đua nở” trong lĩnh vực thầu xây dựng là một trong những nguyên nhân tác động đến chất lượng công trình, bởi nhiều nhân công trực tiếp thi công không có kỹ thuật xây dựng cơ bản, trong khi cán bộ có trình độ không bao quát được hết công trường.
Ảnh minh họa.
Thầu xây dựng: ai làm cũng được (?)
Thống kê chưa chính thức của Bộ Xây dựng, 5 năm qua, mỗi năm có khoảng 6.000 dự án đầu tư xây dựng được triển khai. Tỷ lệ các dự án nhóm A khoảng 5% công trình, nhóm B hơn 20%, nhóm C trên 75%. Hiện có trên 1.000 nhà thầu tư vấn, thiết kế và hơn 6.000 nhà thầu xây dựng. Trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 40-50 sự cố như sập đổ giàn giáo, cháy nổ, không tuân thủ an toàn lao động tại các dự án đầu tư, công trình. Sự cố trên các công trường xây dựng ở Việt Nam chiếm từ 0,3 - 0,4% số lượng công trình.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là chất lượng nhà thầu. Nhà thầu sử dụng nhân công không đảm bảo chất lượng, quy trình kiểm soát, giám sát không chặt chẽ, không đảm bảo an toàn lao động… dẫn đến những rủi ro đáng tiếc trong quá trình thi công công trình và ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.
Nguyên nhân khác cũng được nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua là công tác quản lý dự án và bẫy thầu giá rẻ. Thoạt nhìn, việc chọn nhà thầu giá rẻ tưởng có lợi, nhưng những vấn đề phát sinh sau đó biến giá rẻ thành giá đắt, bởi công trình bị kéo dài dây dưa do nhà thầu thiếu năng lực tài chính cũng như chuyên môn. Rồi thực trạng thầu chính, thầu phụ khiến cho việc phân chia trách nhiệm nhiều lúc cũng “tượng trưng”, chưa kể tình trạng bán thầu trá hình.
Trước đây, nhà thầu phải có chứng chỉ hành nghề, phải đăng ký cụ thể phần việc mình làm. Tuy nhiên, từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời, quy định này bị bãi bỏ, và DN được làm những gì pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, thầu xây dựng là một hoạt động nghề nghiệp mang tính đặc thù. “Hoạt động này phải được thẩm định và cho phép, không có chuyện ai làm gì thì làm” – ông Hoàng Thịnh, chuyên gia về xây dựng, nói – “Rõ ràng, chúng ta phải xem xét lại cơ chế chính sách, xem lại việc thẩm định ban đầu”.
Phải minh bạch thông tin nhà thầu
Một bất cập lớn nhất trong pháp luật hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng là chưa có quy định cụ thể về việc minh mạch thông tin của nhà thầu xây dựng. Thực tế đó làm cho cả cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cũng như chủ đầu tư đều thiếu thông tin, nên chưa kiểm soát chặt chẽ được năng lực thực tế của các nhà thầu.
Trong nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu các công trình xây dựng có chất lượng tốt, TS. Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết, một trong những nội dung mà Bộ Xây dựng đưa ra trong dự thảo Nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng là sẽ minh bạch thông tin về nhà thầu trên mạng Internet.
Theo ông Hùng, để chấn chỉnh những bất cập trên, pháp luật cần phải bổ sung những quy định cụ thể, mang tính bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng phải cung cấp thông tin về năng lực hoạt động để cơ quan quản lý nhà nước công khai trên trang thông tin điện tử.
Bên cạnh đó, cần quy định phải công khai kết quả đánh giá thực hiện công việc của nhà thầu trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Qua đó, cung cấp thông tin để cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động của nhà thầu và để chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu có năng lực phù hợp với yêu cầu của gói thầu.
Hoàng Thủy.
Nguồn : Báo pháp luật