Những tiêu chí phong thủy cơ bản khi làm nhà
Trong quá trình “tam sao thất bản” và biến đổi theo các yếu tố kinh tế – xã hội khiến có lúc phong thủy có vẻ rất phức tạp và bị một số yếu tố mê tín làm thiên lệch.
Thực ra Phong Thủy cũng như các ngành khoa học khác, đều xuất phát từ những yếu tố rất cơ bản, đơn giản và thiết thực. Nếu không thiết thực cho đời sống người dân và vu vơ mê tín thì khoa phong thủy đã không tồn tại được cho đến ngày nay vì người ta chỉ tin và thực hành theo những gì có lợi cho mình, gia đình mình và cộng đồng.
1. Khái niệm Phong thủy
Các gia chủ cần phân biệt đâu là giải pháp Phong Thủy, đâu là tín ngưỡng dân gian. Việc sắp xếp một ngôi nhà sao cho thoáng mát, thuận tiện sinh hoạt, hợp lý đối với các thành viên cư trú luôn là điều cần làm; nhưng việc cúng bái, dán bùa… lại thuộc về tín ngưỡng dân gian, tùy theo tập tục và đức tin của mỗi vùng, mỗi người. Chúng ta tôn trọng nhưng không lẫn lộn với các giải pháp Phong Thủy đích thực.
Có lẽ cũng nên lần về cội nguồn phát sinh ra Phong Thủy để hiểu rõ bản chất của khoa học này. Sự phát sinh của Phong Thủy liên quan đến nhiều nguyên nhân xã hội, trong đó tập trung vào ba vấn đề chính sau đây:
- Thứ nhất là sự xét đoán hình thế – một thái độ tự nhiên của con người trong quá trình vận động, giao tiếp với môi trường thiên nhiên và xã hội. Gặp một ai, sự vật gì người ta cũng thường xem xét để chọn lựa cái tốt nhất trong khả năng có thể.
- Thứ nhì là đạo hiếu của người sống muốn tưởng niệm người chết, muốn cân bằng tâm lý và phần nào răn dạy người khác, cũng là một ước muốn cho bản thân mình mai sau. Do đó trong Phong Thủy cổ xưa có rất nhiều cách xem Thủy Khẩu, Long Mạch… cho mồ mả (âm phần) mà việc áp dụng cho thực tế hiện nay còn nhiều mơ hồ, nặng về cảm tính. Rồi những yếu tố này bị một số sách vở trộn lẫn với Phong Thủy Dương Trạch (nhà cửa cho người sống) làm tăng thêm tính kỳ bí, phức tạp.
- Thứ ba là các truyền tụng và thuật số tính toán mang tính tập tục, được đúc kết qua nhiều thời kỳ, mong muốn gặp lành tránh dữ, mang tính dân tộc học và văn hóa địa phương. Vì vậy các nước Á Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản đều có các nguyên tắc phong thủy riêng.
Để làm nhà theo một tiến trình Phong Thủy bài bản, đòi hỏi gia chủ phải có những kiến thức nhất định và sự chọn lựa các giải pháp sao cho phù hợp hoàn cảnh mỗi gia đình, mỗi ngôi nhà. Các giải pháp Phong Thủy luôn phải được tiến hành trên nền tảng 5 tiêu chí, cũng là 5 tính chất cơ bản của Phong Thủy:
Tính Tổng hợp:
Xem xét rất nhiều phương diện để tạo lập môi trường sống tốt nhất. Xét về chữ nghĩa: Phong là gió, tính Động, thuộc dương. Thủy là nước mang tính Tĩnh, thuộc âm. Gió – nước, âm - dương phải tương giao thì Thổ Trạch mới hài hòa.
Tính Linh hoạt:
Không có ngôi nhà hay cuộc đất nào là tốt hoặc xấu hoàn toàn mà phải tùy thuộc vào truờng hợp cụ thể, thậm chí có thể xấu với người này nhưng người khác lại thấy tốt, thấy phù hợp với mình. Khi gặp tình huống bất lợi, luôn có các giải pháp khắc phục sao cho ít tàn phá môi trường, dựa vào thiên nhiên, giảm thiểu công sức, chi phí.
Tính Quân bình:
Luôn giữ tỷ lệ hợp lý của các thành phần không gian, không quá thiên lệch, đảm bảo cân bằng âm dương, động tĩnh trong môi trường ở. Cần xác định cân bằng chứ không phải cào bằng, phải có chính phụ.
Tính Ổn định:
Phong Thủy vốn xuất phát từ đời sống định cư của dân làm nông nghiệp, do đó chọn đất cất nhà cha ông ta luôn nhắm đến tương lai xa, mong con cháu được phát triển vững bền. Sự ổn định trong Phong Thủy hiện đại cần hiểu là: giảm thiểu biến cố, phát triển lâu dài.
Tính Tâm linh:
Xem trọng yếu tố tín ngưỡng và đời sống tinh thần. Hướng nội và luôn tưởng nhớ tiền nhân (thờ cúng, giáo dục truyền thống). Phong Thủy cũng là một “liệu pháp” tâm lý hiệu quả nên vẫn có một số thủ pháp mang tính “an thần” nhằm tạo tâm lý thoải mái cho người cư ngụ.
(Theo blogphongthuy)
Comments
Post a Comment